Internet của vạn vật (Internet of Everything - IoT) đang là một xu hướng mạnh mẽ trên toàn thế giới, mở ra những cơ hội chưa từng có cho các nền kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để cạnh tranh trong môi trường mới. Theo dự đoán của Cisco, IoT sẽ mang lại các giá trị lên tới 19 nghìn tỷ USD vào năm 2024.
|
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo Cisco Connect 2014. Ảnh: Quốc Dũng.
|
"SMAC với Social (Mạng xã hội), Mobility (di động), Analytics (phân tích dữ liệu lớn) và Cloud (điện toán đám mây) đang tạo ra xu thế phát triển "thông minh" trên mọi lĩnh vực. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với mỗi quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của mình", Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chia sẻ tại Hội thảo Cisco Connect 2014 khai màn sáng 23/9 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Hồng, công nghệ thông tin đã có sự phát triển mạnh mẽ, bùng nổ trong thời gian qua, trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp chủ lực cho GDP. Nhiều quốc gia thậm chí đã coi CNTT là phương thức phát triển mới, tham gia vào mọi phương diện đời sống, làm thế giới thay đổi một cách căn bản. Tại Hội nghị Bộ trưởng viễn thông châu Á - Thái Bình Dương (ITU) cách đây hai tuần, các nhà lãnh đạo đã khẳng định: Thế giới đang tiến tới một xã hội kết nối, với "vạn vật" đều kết nối với nhau thông qua mạng Internet.
"Đây là một xu thế không thể cưỡng lại, và với IoT, thế giới mà chúng ta biết sẽ hoàn toàn thay đổi", vị đại diện của Bộ TT&TT khẳng định. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã sớm nhận thức được xu hướng này khi ban hành liên tiếp nhiều văn bản quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của CNTT trong nước, từ Nghị quyết số 49 về phát triển CNTT trong những năm 90 cho đến Chỉ thị số 58 của Bộ Chính trị (năm 2000) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT để hiện đại hóa đất nước. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án Sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT và mới đây nhất, hồi tháng 7 vừa qua, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đây là văn bản thể hiện tầm nhìn, chủ trương, đường lối chiến lược của Việt Nam về phát triển CNTT từ nay đến năm 2030.
Hiện tại, Bộ TT&TT đang chủ trì việc xây dựng chương trình hành động của Chính phủ nhằm triển khai Nghị quyết 36, qua đó sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan căn cứ vào đó tổ chức thực hiện.
Việc các cơ quan, Bộ ngành đồng lòng, quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, kết hợp với sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, Tập đoàn CNTT lớn, cả trong nước lẫn quốc tế, sẽ giúp quá trình triển khai Nghị quyết 36 được thuận lợi và hiệu quả, Thứ trưởng nhận định.